Tiểu sử sơ lược Nguyễn_An_Khương

Nguyễn An Khương, nguyên quán ở tỉnh Bình Định, sau vào cư ngụ ở Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông tinh thông Hán học, giỏi chữ Quốc ngữ và có tinh thần yêu nước.

Tháng 3 năm 1870, Đông Kinh nghĩa thục mở ở phố Hàng Đào (Hà Nội) với mục đích là khai trí cho dân, Nguyễn An Khương nhiệt liệt cổ vũ.

Năm 1900, ông làm trợ bút cho tờ Nông Cổ Mín Đàm (cho đến năm 1910) và dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc.

Năm 1908, hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh khởi xướng, ông cùng với những người chung chí hướng đứng ra thành lập khách sạn Chiêu Nam Lầu ở Chợ Cũ Sài Gòn. Đây là cơ sở vừa làm kinh tài cho phong trào, vừa làm trụ sở kín dùng để hội họp và để đưa rước các thanh niên ra nước ngoài học tập.

Năm Tân Mùi (1931), Nguyễn An Khương mất, thọ 71 tuổi.

Phần mộ Nguyễn An Khương và vợ hiện tọa lạc trong khu Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh thuộc phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bổ sung tiểu sử

Bài viết (hoặc đoạn) này cần người am hiểu về chủ đề này trợ giúp biên tập mở rộng hoặc cải thiện. Bạn có thể giúp bằng cách sửa đổi bài viết. Có thể có thêm chi tiết liên quan tại trang thảo luận.

Ông Nguyễn An Khương sinh năm 1860 tại thôn Phước Quảng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (ngày nay thuộc tỉnh Long An).

Cha là Nguyễn An Nghi là người có tâm và yêu nước nhưng bị thất bại. Tổ tiên gốc ở Hưng Yên, họ Đoàn, do chống lại chúa Trịnh nên phải trốn chúa Trịnh vào định cư ở Bình Định và đổi thành họ Nguyễn. Ông Nghi lưu tán vào Nam, lấy vợ là bà Dương Thị Tiền, quê ở Phước Quảng và sinh cơ lập nghiệp tại đây.

Từ thuở nhỏ, nhờ sống trong gia đình có học và gia giáo lại giỏi nghề làm thuốc nên ông Khương sớm tinh thông Y học, Hán văn và chữ Quốc ngữ. Ông mở trường dạy học cho trẻ em tại thị xã Tân An. Kiến thức và đạo đức của ông khiến cha mẹ học trò kính trọng, trong đó có ông Hội đồng Trương Dương Lợi và được ông gả con gái thứ bảy là Trương Thị Ngự. Vợ chồng ông Khương sinh được bốn con là: Nguyễn An Thái (1890), Nguyễn An Thường (1894), Nguyễn Thị Năng (1897) và Nguyễn An Ninh (1900). Nhưng 3 người con đầu mất sớm chỉ còn lại Nguyễn An Ninh.

Con ông là Nguyễn An Ninh, một nhà cách mạng lừng danh. Theo nhà nghiên cứu Huỳnh Minh thì trước khi ông Ninh sang Pháp học, ông Nguyễn An Khương đã bắt con thề tại Lăng Ông Bà Chiểu rằng: "Phải luôn giữ tiết, không vì bả vinh hoa mà đổi lòng đổi chí, phản bội quê hương và nòi giống".[1]

Em ông là Nguyễn An Cư (1864-1949) là một Đông y sĩ và là một nhà văn khá nổi tiếng.